Nước mắm Vạn Phần 'lên hương'

Nước mắm Vạn Phần 'lên hương'

Từ một công ty bên bờ vực phá sản, Vạn Phần dần trở thành nhãn hiệu sản xuất nước mắm truyền thống lớn nhất Nghệ An, tạo ra 1,5 triệu lít nước mắm mỗi năm.

Ông Võ Văn Đại bên nhà máy sản xuất nước mắm.

Ông Võ Văn Đại bên nhà máy sản xuất nước mắm.

Kẻ Vạn xưa, là Vạn Phần nay nằm ở ngay Cửa Vạn, nơi con sông Bùng đổ ra biển thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trong suốt hàng thế kỷ qua, làng nghề Vạn Phần đã nức tiếng cả nước với thức nước mắm tuyệt hảo tiến vua.

Trạm Hải sản Diễn Châu được thành lập từ năm 1947, với nhiệm vụ sản xuất nước mắm vừa kế thừa và phát huy tinh hoa làng nghề nước mắm Vạn Phần, đồng thời lãnh trọng trách đóng góp nguồn lực về kinh tế tài chính cho tỉnh Nghệ An.

Trải qua hàng chục năm, Trạm Hải sản Diễn Châu phát triển lên thành Công ty Thuỷ sản Vạn Phần Diễn Châu. Thế nhưng, đến những năm cuối thế kỷ 20, đã có thời điểm công tu này đứng trước nguy cơ phải đóng cửa sau hàng thập kỷ tồn tại.

Nước mắm Vạn Phần - thứ sản vật huyền thoại gần như biến mất trên bản đồ nước mắm nước ta. Thay vào đó, thứ còn lại chỉ là một nhà máy xuống cấp nghiêm trọng và được nhà nước lo mọi việc từ nguồn cung cá tới tiền lương cho nhân viên.

Đến năm 2000, công ty được cổ phần hóa thành 100% vốn tư nhân, trở thành Công ty Cổ phần Thuỷ sản Vạn Phần Diễn Châu ngày nay.

Ông Võ Văn Đại, Giám đốc Công ty kể lại: “Tôi bắt đầu làm việc ở công ty từ năm 1987, với vị trí nhân viên bảo vệ, sau đó được chuyển sang làm công nhân. Do chịu khó làm việc, được công ty cử đi Hải Phòng theo học lớp về chế biến thủy sản trong 4 năm.

Trở về, tôi được đề bạt làm quản đốc phân xưởng vào năm 1992. Tám năm sau, Vạn Phần chịu cú sốc đầu tiên khi trở thành cơ sở thí điểm mô hình cổ phần hóa của tỉnh Nghệ An vào năm 2000. Chúng tôi như tay không mà bị ném vào một trận chiến”, ông Đại nói.

Cổ phần hóa xong, trong tình thế sản phẩm của công ty không tiêu thụ được, Võ Văn Đại được bầu, nhưng thực ra là bị “ép” vào vị trí Phó giám đốc phụ trách kinh doanh, phải đảm trách nhiệm vụ bán hàng và tiếp thị cho công ty.

Bị đẩy vào môi trường cạnh tranh khốc liệt, Đại nhận ra chính hương vị đắng khét lâu năm đang làm mắm Vạn Phần bị khách hàng quay lưng, nhất là khi mà người tiêu dùng có nhiều lựa chọn sản phẩm để mua hơn rất nhiều so với thời kỳ bao cấp.

“Những ngày tôi bắt đầu nhận chức Phó giám đốc phụ trách kinh doanh là những ngày hỗn loạn. Có thời điểm, cả tháng tiền bán sản phẩm chỉ đem về 90 triệu đồng, lãi chỉ 10 triệu đồng/tháng chia cho 70 nhân viên”, ông kể.

Trước tình sắp phá sản, Võ Văn Đại đã đề xuất phải cải tiến chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất nước mắm tại đây. Trước hết, áp dụng quá trình lên men mới mà ông học được từ những bậc thầy làm nước mắm trên cả nước.

Cùng với đó, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, chương trình sản xuất sạch hơn, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế ISO 22000:2005.

Ngoài ra, nhờ có sự vào cuộc của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông, sản phẩm nước mắm Vạn Phần dần được nâng cao giá trị, định vị theo hướng VietGAP, tiêu chuẩn OCOP.

Vạn Phần đi thêm một nét riêng ở thương hiệu nước mắm hạ thổ, đó là thứ nước mắm nguyên chất, sau khi được chế biến, đóng gói xong sẽ được chôn dưới đất từ hai đến ba năm. Với nước mắm này, loại đặc biệt để lâu, có ngâm vừng vàng (thêm nước béo) sẽ còn rất tốt bởi có khả năng chống rét cho người đi biển mùa đông, tăng sức khoẻ cho thợ lặn…

Tạo ra được sản phẩm nước mắm ngon rồi, nhưng khâu tiếp thị ban đầu thật gian nan. Võ Văn Đại cần mẫn dành hàng tháng trời trên chiếc xe máy cũ của mình, chạy đi khắp tỉnh tìm khách hàng. Không có góc nào của Nghệ An mà anh chưa đi tới, tất cả chỉ để thuyết phục các cửa hàng bán lo nước mắm Vạn Phần lên kệ.

Ông Đại còn có sáng kiến thiết lập một kênh phân phối độc đáo: qua hội phụ nữ ở các địa phương của tỉnh Nghệ An.

Nước mắm Vạn Phần đã nhiều lần đạt giải thưởng chất lượng quốc gia; 4 lần được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp quốc gia và 3 lần là sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiêu biểu.

“Câu chuyện bắt đầu khi Hội Phụ nữ xã Diễn Thọ gần đó đến xin tiền hỗ trợ. Tôi quyết định giúp đỡ họ với thứ duy nhất chúng tôi có: nước mắm. Công ty ký một hợp đồng với hội phụ nữ xã, cung cấp cho họ nước mắm trị giá hàng chục triệu đồng mà không cần tiền đặt cọc.

Với mỗi chai nước mắm họ bán được, hội sẽ nhận được 12% giá bán. Họ bán hàng cho các hội viên phụ nữ, đợt hàng đầu tiên họ thu được 5 triệu đồng. Cô kế toán của hội nói rằng cô ấy chưa bao giờ được cầm số tiền lớn như vậy trong tay”, ông Đại kể.

Ngay năm đầu, Quỹ của Hội Phụ nữ xã Diễn Thọ thu được 30 triệu đồng, lớn hơn nhiều so với ngân sách xã cấp cho hội là 2 triệu đồng. Các hội phụ nữ ở các xã khác cũng học theo, đến xin ký kết hợp đồng bán hàng cho Vạn Phần để tìm nguồn chi cho những hoạt động của mình. 

Nhờ các kênh tiêu thụ này, Vạn Phần liên tục đạt mức tăng trưởng 28 - 40%/năm. Võ Văn Đại được bầu lên làm giám đốc. Từ một công ty bên bờ vực phá sản, Vạn Phần dần trở thành nhãn hiệu sản xuất nước mắm truyền thống lớn nhất tỉnh, tạo ra 1,5 triệu lít nước mắm mỗi năm, và bày bán tại 800 cửa hàng và siêu thị trên toàn quốc.

Năm 2014, doanh thu đạt 12 tỷ đồng, và tăng vọt lên 19 tỷ đồng vào năm 2019. Ông Đại đang hướng đến mục tiêu đạt 20 tỷ đồng vào năm 2020. Hiện sản phẩm của công ty cung cấp cho thị trường rộng lớn các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu trên 40 ngàn lít nước mắm, hơn 50 tấn sản phẩm đến thị trường Malaysia, Lào, Angola, Nga, Hàn Quốc…

Hàng năm công ty thu mua 1.000 - 1.500 tấn cá, 700 tấn muối và 100 tấn ruốc cho ngư dân để thúc đẩy quá trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm, tạo thu nhập cho ngư dân khai thác thuỷ sản tại địa phương. Tác động xã hội của doanh nghiệp còn là tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 160 nhân viên là lao động địa và trên 500 đại lý phân phối trực tiếp sản phẩm của công ty.

 

← Bài trước